Thông thường, một chỉ báo kỹ thuật sẽ ít khi được sử dụng độc lập mà các trader sẽ kết hợp chúng với các chỉ báo, phương pháp phân tích khác để tạo thành một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh, phát huy tối đa tính hiệu quả của từng thành phần trong hệ thống đó. Tuy nhiên, trong hàng trăm chỉ báo kỹ thuật trên thị trường forex, vẫn tồn tại một chỉ báo vô cùng đặc biệt. Bản thân chỉ báo này có thể hình thành nên một hệ thống giao dịch mà đôi khi không cần phải kết hợp với bất kỳ một công cụ nào khác. Đó chính là chỉ báo Ichimoku.
Ichimoku là gì? Giới thiệu về mây Ichimoku
Ichimoku là gì?
Ichimoku có tên gọi đầy đủ là Ichimoku Kinko Hyo, các trader thường gọi ngắn gọn là mây Ichimoku hay Ichimoku Cloud vì thành phần quan trọng nhất của chỉ báo này có hình dạng giống đám mây.
Ichimoku bao gồm 5 thành phần, 4 trong số đó được tính toán bằng các công thức trung bình cộng nên chỉ báo này có công dụng khá mạnh trong việc xác định xu hướng của thị trường. Bên cạnh đó, Ichimoku còn xác định các mức hỗ trợ, kháng cự, thể hiện động lượng của xu hướng và chỉ ra được các điểm vào, thoát lệnh một cách cụ thể nhất.
Ichimoku có thể được sử dụng như một hệ thống giao dịch độc lập, như một công cụ xác định xu hướng và hành vi của giá kết hợp được với một hệ thống hoặc chiến lược giao dịch bất kỳ. Ngoài ra, Ichimoku còn có thể hoạt động như một bộ lọc tín hiệu cho các chỉ báo hoặc hệ thống giao dịch khác.
Với tính linh hoạt của nó, Ichimoku được sử dụng phổ biến trong hầu hết các thị trường tài chính như chứng khoán, forex, tiền điện tử… và là hệ thống giao dịch yêu thích của rất nhiều trader trên thế giới.
Lịch sử ra đời của mây Ichimoku.
Người đã cho ra đời hệ thống giao dịch Ichimoku chính là nhà báo người Nhật, có tên Goichi Hosoda. Ông đã sống ở cái thời cách chúng ta hơn 100 năm, khi mà hệ thống máy tính và xử lý dữ liệu chưa phát triển, toàn bộ dữ liệu và các con số được tính toán bằng tay và xử lý trên giấy. Goichi Hosoda là một người đã quen với biểu đồ nến Nhật từ khi còn rất nhỏ và ông bắt đầu giao dịch tài chính vào năm 10 tuổi.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, ông làm việc tại tờ báo Miyako, bây giờ là tờ Tokyo, tờ báo lớn nhất Nhật Bản về kinh tế, tài chính thời bấy giờ. Sau nhiều năm phấn đấu thì ông chính thức trở thành Tổng giám đốc và thành lập riêng cho mình một trung tâm nghiên cứu biểu đồ tại nơi này. Có sẵn niềm đam mê với biểu đồ cộng với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở mảng phân tích kỹ thuật thị trường chứng khoán, ngoại hối, ông đã bắt đầu vận dụng và phân tích sâu hơn mô hình nến Nhật với mong muốn tạo ra một chỉ báo “tất cả trong một” để việc xác định xu hướng được sâu hơn với thời gian ngắn hơn.
Bằng việc thêm vào biểu đồ nến Nhật hàng loạt các đường trung bình, Goichi Hosoda cùng với sự trợ giúp của một nhóm sinh viên đã backtest thủ công các công thức khác nhau ròng rã trong 4 năm trời và cuối cùng cho ra đời một hệ thống giao dịch với tên gọi Ichimoku Kinko Hyo (có thể tạm dịch là Biểu đồ cân bằng trong nháy mắt) vào năm 1935. Cho đến năm 1969, ông đã quyết định chia sẻ hệ thống giao dịch này ra bên ngoài bằng việc đưa nó vào các cuốn sách của mình và phát hành ra thị trường. Từ đó, Ichimoku nhanh chóng trở thành chỉ báo được sử dụng phổ biến nhất tại các phòng giao dịch Nhật Bản thời bấy giờ.
Hướng dẫn cài đặt chỉ báo Ichimoku trên phần mềm MT4
Tham khảo: MT4 là gì? Hướng dẫn sử dụng MT4 chi tiết nhất 2020.
Để mở hộp thoại cài đặt chỉ báo Ichimoku, các bạn làm theo đường dẫn sau:
Insert –> Indicators –> Trend –> Ichimoku Kinko Hyo.
Tại đây, hệ thống đã chọn sẵn các thông số của chỉ báo. Các bạn chuyển sang tab Colors để cài đặt màu sắc cho từng thành phần của Ichimoku.
Up Kumo chính là đường Senkou-Span A. Down Kumo là đường Senkou-Span B. Các bạn nên chọn màu sắc khác nhau cho mỗi thành phần để dễ quan sát trên biểu đồ giá. Tất cả các hình ảnh phân tích trong bài viết này, chúng tôi sẽ mặc định những màu sắc như hình trên để các bạn tiện theo dõi.
Tab Visualization: chọn khung thời gian hiển thị chỉ báo.
Thành phần của chỉ báo Ichimoku và cách tính.
Chỉ báo Ichimoku bao gồm 5 thành phần, 2 trong số 5 thành phần đó tạo thành đám mây Ichimoku và đây cũng là bộ phận quan trọng nhất, chính vì thế mà người ta mới ưu ái gọi tên cho toàn bộ hệ thống giao dịch này là mây Ichimoku.
Kijun-Sen: Base line (Đường cơ sở), hay còn gọi là đường Xu hướng.
Công thức: Kijun-Sen = (Giá cao nhất + Giá thấp nhất)/2, Chu kỳ 26.
Đường Kijun-Sen được xác định bằng cách lấy trung bình cộng của giá thấp nhất và giá cao nhất trong 26 phiên giao dịch trước đó (tính cả phiên giao dịch hiện tại).
Mặc dù công thức tính trung bình có phần khác biệt so với chỉ báo MA, nhưng Kijun-Sen vẫn được xem là một đường trung bình dài hạn và trong hệ thống giao dịch Ichimoku, Kijun-Sen thể hiện như một đường MA chậm, đóng vai trò là một ngưỡng hỗ trợ/kháng cự bền vững hơn so với những thành phần còn lại.
Quan sát trên biểu đồ, các bạn sẽ thường xuyên bắt gặp đường Kijun-Sen nằm ngang, đơn giản vì công thức tính của nó chỉ phụ thuộc vào 2 yếu tố: giá cao nhất và giá thấp nhất. Khi các giá trị Kijun-Sen bằng nhau trong một khoảng thời gian dài (đường Kijun-Sen nằm ngang), nghĩa là giá vẫn chưa thể thoát ra được 2 đường biên hình thành bởi giá cao nhất và thấp nhất trong giai đoạn đang xét, điều này chứng tỏ thị trường đang trong xu hướng đi ngang – sideway.
Tenkan-Sen: Conversion Line (Đường chuyển đổi), hay còn gọi là đường Tín hiệu
Công thức: Tenkan-Sen = (Giá cao nhất + Giá thấp nhất)/2, chu kỳ 9
Các giá trị Tenkan-Sen được tính bằng cách lấy trung bình cộng của giá cao nhất và giá thấp nhất trong 9 phiên giao dịch trước đó (tính cả phiên giao dịch hiện tại).
Ngược lại với Kijun-Sen thì Tenkan-Sen đóng vai trò như một đường trung bình ngắn hạn, thể hiện sự phản ứng nhanh nhất đối với giá. Tenkan-Sen bám sát giá, không thể hiện được xu hướng trong dài hạn, nhưng tín hiệu giao cắt giữa Kijun-Sen và Tenkan-Sen sẽ giúp cho trader xác định các điểm vào lệnh hợp lý.
Chikou-Span: Lagging Span (Đường trễ)
Công thức: Chikou-Span = giá đóng cửa của phiên giao dịch hiện tại, vẽ lùi về trước 26 phiên.
Ở những phiên giao dịch hiện tại, khi các đường khác đều được biểu diễn đầy đủ trên biểu đồ thì Chikou-Span lại bị thiếu. Tính từ giá trị Chikou-Span cuối cùng đến phiên giao dịch hiện tại thì chính xác là cách nhau 26 cây nến.
Đường Chikou-Span là thành phần có vẻ như không liên quan gì mấy đến hệ thống giao dịch này. Tuy nhiên, đây lại là công cụ để xác định cường độ của xu hướng hiện tại so với thời điểm cách đó 26 kỳ, nếu sử dụng khung D1 thì đó chính là khoảng thời gian 1 tháng, mốc thời gian khá quan trọng trên các thị trường tài chính. Chikou-Span nằm trên đường giá cho thấy xu hướng đang tăng và giá tạo đỉnh cao hơn so với 26 phiên trước. Khoảng cách từ Chikou-Span đến đường giá sẽ cho thấy cường độ lực của xu hướng.
Senkou-Span A: Leading Span A (Đường dẫn A)
Công thức: Senkou-Span A = (Kijun-Sen + Tenkan-Sen)/2, dịch về trước 26 phiên
Các giá trị Senkou-Span A chính là trung bình cộng của Kijun-Sen và Tenkan-Sen của phiên giao dịch hiện tại, nhưng trên biểu đồ, các giá trị này được dịch chuyển về phía trước 26 phiên (trong tương lai).
Senkou-Span B: Leading Span B (Đường dẫn B)
Công thức: Senkou-Span B = (Giá cao nhất + Giá thấp nhất)/2, chu kỳ 52, dịch về trước 26 phiên.
Cách tính của Senkou-Span B giống với Kijun-Sen, nhưng thay vì 26 kỳ thì sẽ là 52 kỳ và tương tự Senkou-Span B, các giá trị của Senkou-Span A cũng được dịch chuyển về phía trước 26 phiên (trong tương lai).
Kumo: Ichimoku Cloud (Mây Ichimoku)
Là thành phần nổi bật và quan trọng nhất trong hệ thống giao dịch Ichimoku.
Kumo được hình thành từ Senkou-Span A và Senkou-Span B, đóng vai trò như 2 đường giới hạn trên và dưới, tạo thành hình dạng những đám mây.
Trên phần mềm MT4, màu sắc của Kumo sẽ phụ thuộc vào vị trí của 2 đường Senkou-Span A và Senkou-Span B. Đường nào nằm trên thì Kumo sẽ mang màu sắc của đường đó.
Dựa vào màu sắc, độ dày và khoảng cách giữa đám mây đến đường giá, trader có thể xác định được xu hướng và diễn biến tâm lý của thị trường.
Cách giao dịch với hệ thống Ichimoku
Nhận biết xu hướng hiện tại dựa vào từng thành phần độc lập của Ichimoku
Tất cả các thành phần của chỉ báo Ichimoku đều mang tính chất của một đường trung bình (ngoại trừ Chikou-Span) nên mỗi thành phần trong hệ thống này đều có thể được sử dụng để nhận định xu hướng của thị trường.
Kijun-Sen
- Nếu giá nằm trên đường Kijun-Sen, chứng tỏ thị trường đang trong xu hướng tăng
- Nếu giá nằm dưới đường Kijun-Sen, thị trường đang trong xu hướng giảm
Mang tính chất của một chỉ báo chậm nên khi giá đã hình thành đỉnh hoặc đáy được một khoảng thời gian thì các tín hiệu đó mới bắt đầu xuất hiện trên đường Kijun-Sen. Kijun-Sen càng dốc thì xu hướng càng mạnh.
Tenkan-Sen
- Giá nằm trên đường Tenkan-Sen, thị trường đang trong xu hướng tăng
- Giá nằm dưới đường Tenkan-Sen, thị trường đang trong xu hướng giảm
Đường Tenkan-Sen rất gần với đường giá, nếu giá đi xa đường Tenkan-Sen thì sẽ có xu hướng quay trở về.
Chikou-Span
Chikou-Span là thành phần đo lường động lượng hay lực của xu hướng.
- Chikou-Span nằm trên đường giá, thị trường đang trong xu hướng tăng. Chikou-Span càng xa đường giá thì lực tăng càng mạnh.
- Chikou-Span nằm dưới đường giá, thị trường đang trong xu hướng giảm. Chikou-Span càng xa đường giá thì lực giảm càng mạnh.
- Chikou-Span gần sát đường giá, thị trường sideway.
Đám mây Kumo
- Giá nằm trên đám mây, thị trường đang trong xu hướng tăng.
- Giá nằm dưới đám mây, thị trường đang trong xu hướng giảm.
- Giá nằm bên trong đám mây, thị trường sideway.
Mây Kumo càng to, càng dày thì lực của xu hướng càng mạnh, giá khó có thể phá vỡ được. Ngược lại, mây Kumo càng nhỏ, càng mỏng thì lực của xu hướng càng yếu, khả năng cao là giá sẽ xuyên thủng đám mây.
Các tín hiệu giao dịch được tạo thành từ 3 bộ phận: Kijun-Sen, Tenkan-Sen và Chikou-Span
Tín hiệu giao cắt giữa Kijun-Sen và Tenkan-Sen
Sự giao cắt giữa Kijun-Sen và Tenkan-Sen sẽ tạo ra các tín hiệu giao dịch, tương tự như các tín hiệu giao cắt giữa 2 đường trung bình MA nhanh và MA chậm. Trong đó, Kijun-Sen đóng vai trò là đường MA chậm và Tenkan-Sen là đường MA nhanh.
- Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên, tín hiệu vào lệnh Buy.
- Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống, tín hiệu vào lệnh Sell.
Quan sát hình trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, sự giao cắt giữa 2 đường này xảy ra rất thường xuyên. Sẽ có những tín hiệu mạnh, nhưng cũng có những tín hiệu yếu hoặc tín hiệu gây nhiễu.
Tín hiệu giao cắt giữa Tenkan-Sen và Kijun-Sen sẽ càng trở nên mạnh hơn khi có sự xác nhận của các yếu tố khác nữa, chẳng hạn:
- Tín hiệu Buy sẽ mạnh hơn nếu Chikou-Span nằm trên đường giá và điểm giao cắt nằm trên đám mây Kumo.
- Tín hiệu Sell sẽ mạnh hơn nếu Chikou-Span nằm dưới đường giá và điểm giao cắt nằm dưới đám mây Kumo.
- Lệnh Sell 1: thỏa mãn điều kiện đường Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống, cộng thêm các tín hiệu: điểm giao cắt nằm dưới mây Kumo và Chikou-Span nằm dưới đường giá khiến cho tín hiệu Sell càng mạnh hơn.
- Lệnh Buy 1: mặc dù Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên, nhưng điểm giao cắt nằm dưới mây Kumo và Chikou-Span nằm gần sát đường giá nên tín hiệu Buy này là một tín hiệu yếu.
- Lệnh Sell 2: các tín hiệu giao dịch đều thuận chiều xu hướng giảm, ngoại trừ đường Chikou-Span nằm trên đường giá nhưng tín hiệu Sell vẫn được xem là khá mạnh. Tuy nhiên, tỷ lệ Risk:Reward sẽ không tốt bằng lệnh Sell 1.
Bên cạnh việc sử dụng các tính hiệu xác nhận từ những thành phần khác của chỉ báo Ichimoku thì tín hiệu giao cắt giữa Tenkan-Sen và Kijun-Sen còn có thể được kiểm chứng bởi những công cụ khác như mô hình nến, chỉ báo kỹ thuật khác.
Lưu ý: sau khi Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen, nếu 2 đường này song song với nhau thì lực của xu hướng càng được củng cố, ngược lại, nếu 2 đường này trùng nhau thì dự báo giá sẽ biến động rất lớn nhưng không biết chắc sẽ theo hướng nào.
Tín hiệu giao cắt giữa Chikou-Span và đường giá.
Như đã nói ở phần trên, vị trí giữa đường Chikou-Span và đường giá sẽ phản ánh xu hướng hiện tại của thị trường. Một khi 2 đường này cắt nhau thì rất có khả năng xu hướng đó sẽ bị phá vỡ.
- Chikou-Span cắt đường giá từ dưới lên, tín hiệu vào lệnh Buy.
- Chikou-Span cắt đường giá từ trên xuống, tín hiệu vào lệnh Sell.
Trong tình huống này, có rất nhiều điều kiện thuận lợi để các bạn có thể vào lệnh Buy.
- Thứ nhất, đường Chikou-Span mới vừa cắt đường giá từ dưới lên, hiện tại đang nằm trên và cách xa đường giá, chứng tỏ thị trường đang trong xu hướng tăng.
- Thứ hai, mây Kumo đang nằm dưới đường giá, xu hướng tăng được củng cố hơn.
- Thứ ba, trước đó, Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên, 2 đường này có xu hướng sẽ song song nhau, lực tăng của xu hướng được củng cố hơn.
Đối với chiến lược này, các bạn có thể đặt stop loss tại đáy của đám mây Kumo.
Và kết quả là….
Có thể thấy đây là một xu hướng tăng khá mạnh, các bạn có thể chốt lời khi tỷ lệ Risk:Reward đã đạt như mong muốn.
Sau đó, thị trường hình thành mô hình nến đảo chiều giảm Bearish Engulfing và tín hiệu đường Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống, các bạn có thể đóng lệnh tại một trong 2 tín hiệu này. Lợi nhuận mang về là khá cao trong trường hợp này.
Các tín hiệu giao dịch với mây Kumo – Trái tim của hệ thống Ichimoku
Tín hiệu đổi màu của mây Kumo
Mây Kumo đổi màu khi 2 đường dẫn Senkou-Span A và Senkou-Span B thay đổi vị trí cho nhau.
- Senkou-Span A nằm trên Senkou-Span B thì màu của Kumo là màu của Senkou-Span A.
- Senkou-Span B nằm trên Senkou-Span B thì màu của Kumo là màu của Senkou-Span B.
- Nếu Senkou-Span A cắt Senkou-Span B từ dưới lên, mây Kumo đổi màu từ hồng sang cam thì vào lệnh Buy.
- Nếu Senkou-Span A cắt Senkou-Span B từ trên xuống, mây Kumo đổi màu từ cam sang hồng thì vào lệnh Sell.
Vì tính chất dịch chuyển về trước 26 phiên của mây Kumo nên nó sẽ luôn đi trước đường giá, đường Chikou-Span thì ngược lại, luôn đi sau giá.
Ở chiến lược này, chúng ta sẽ sử dụng tín hiệu tạo ra từ mây Kumo tương lai (là phần đi trước giá hiện tại) vì mây Kumo tương lai có thể dự báo được xu hướng sắp tới, còn mây Kumo đi song song với đường giá chỉ thể hiện xu hướng của thị trường ở thời điểm hiện tại.
Trong tình huống này, chúng ta lại tiếp tục có đến 3 tín hiệu mạnh cho một lệnh Sell tiềm năng:
- Thứ nhất, mây Kumo đổi màu từ cam sang hồng (do Senkou-Span A cắt Senkou-Span B từ trên xuống.
- Thứ hai, Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống.
- Thứ ba, Chikou-Span nằm dưới đường giá.
Ở chiến lược này, đường Senkou-Span B đang là một mức kháng cự mạnh do liên tục nằm ngang trong một thời gian dài nên các bạn có thể đặt stop loss ngay phía trên đường này.
Và kết quả là…
Tín hiệu giá breakout mây Kumo
Giao dịch với tín hiệu giá phá vỡ mây Kumo là một chiến lược khá đơn giản nhưng cũng là chiến lược khiến trader mắc phải nhiều sai lầm nhất.
Đơn giản ở chỗ các bạn có thể dễ dàng nhìn thấy điểm vào, thoát lệnh, chỉ cần giá đâm xuyên đám mây và đóng cửa phía trên/phía dưới đám mây là có thể vào lệnh. Tuy nhiên, giá đâm xuyên Kumo chưa chắc đã breakout thành công mà rất có thể chỉ là một đợt phá vỡ giả.
Để hạn chế rủi ro khi giao dịch với chiến lược này, các bạn cần kết hợp thêm những công cụ khác để tín hiệu được xác nhận một cách chắc chắn nhất, đồng thời, xác định các điểm vào/thoát lệnh hợp lý nhất.
- Tín hiệu Buy khi giá đâm thủng Kumo từ dưới lên. Vào lệnh khi giá đóng cửa phía trên mây Kumo một cách rõ ràng.
- Tín hiệu Sell khi giá đâm thủng Kumo từ trên xuống. Vào lệnh khi giá đóng cửa phía dưới mây Kumo một cách rõ ràng.
Tại vị trí số 1 trên hình, giá đâm thủng đám mây từ dưới lên, cho tín hiệu vào lệnh Buy. Tín hiệu này được củng cố thêm nhờ 2 sự xác nhận đi kèm: Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên và đường Chikou-Span đang nằm trên đường giá.
Đợi cây nến phá vỡ đóng cửa phía trên đám mây thì vào lệnh Buy. Đặt stop loss ngay dưới đáy của đám mây. Ở chiến lược này, các bạn có thể take-profit theo tỷ lệ Risk:Reward ít nhất là 1:2 hoặc đóng lệnh khi có tín hiệu đảo chiều xu hướng dựa vào các mô hình nến, các ngưỡng kháng cự/hỗ trợ hoặc có thể giữ lệnh trong dài hạn.
Trong tình huống này, sau khi giá breakout đã không đi thẳng lên ngay mà quay trở lại retest mây Kumo rồi mới tiếp tục xu hướng tăng.
Cũng có nhiều trader đợi khi giá retest lại rồi mới vào lệnh để tối đa lợi nhuận, nhưng nếu giá không retest thì trader đã mất cơ hội vào lệnh tiềm năng. Tùy thuộc vào cách nhìn nhận thị trường, các tín hiệu nhận được mà mỗi người sẽ có những cách vào lệnh khác nhau.
Và đây là trường hợp giá phá vỡ mây Kumo và đi thẳng lên trên, nếu chờ đợi một đợt retest của giá về lại mây Kumo thì trader đã mất cơ hội vào lệnh tốt.
Lưu ý: mây Kumo càng mỏng thì khả năng giá breakout sẽ cao hơn. Nếu giá đóng cửa bên ngoài một đám mây Kumo quá dày thì có thể đó chỉ là một pha phá vỡ giả. Các bạn cần cẩn thận hơn khi giao dịch với tín hiệu này.
Ở hình trên, có quá nhiều tín hiệu để chúng ta có thể xem xét đến một lệnh Sell, bao gồm:
- Giá đâm thủng mây Kumo từ trên xuống và đóng cửa phía dưới mây Kumo một cách rõ ràng.
- Chikou-Span nằm dưới đường giá.
- Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống.
Tất cả những tín hiệu này đều rất dễ khiến chúng ta tự tin rằng giá sẽ phá vỡ thành công, thị trường sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, trong trường hợp này, độ dày mây Kumo khá lớn, khả năng để giá phá vỡ ra khỏi mây là rất khó.
Điều quan trọng nhất là, khi các bạn giao dịch với tín hiệu nào thì tín hiệu đó phải là tín hiệu mạnh nhất, những tín hiệu tạo ra từ các công cụ, thành phần khác chỉ là bổ sung, hỗ trợ thêm cho độ tin cậy của tín hiệu đó mà thôi.
Các mức hỗ trợ/kháng cự mạnh tạo ra từ hệ thống Ichimoku
Đường Kijun-Sen là mức hỗ trợ/kháng cự quan trọng
Khi thị trường có xu hướng, Kijun-Sen đóng vai trò như một mức hỗ trợ/kháng cự mạnh.
Kijun-Sen là đường hỗ trợ mạnh khi thị trường đang trong xu hướng tăng.
Kijun-Sen là đường kháng cự mạnh khi thị trường đang trong xu hướng giảm.
Mây Kumo – cung cấp cái nhìn toàn diện về các mức hỗ trợ/kháng cự
Như đã nói, mây Kumo là thành phần nổi bật nhất và cũng là quan trọng nhất của chỉ báo Ichimoku.
Độ dày của mây Kumo cho thấy mức độ giao động của giá. Kumo càng dày thì độ dao động càng mạnh, ngược lại, Kumo càng mỏng thì độ dao động càng yếu. Bên cạnh đó, mây Kumo càng dày thì mức hỗ trợ/kháng cự của nó càng mạnh.
- Trong xu hướng tăng, mây Kumo đóng vai trò là một vùng hỗ trợ quan trọng.
- Trong xu hướng giảm, mây Kumo đóng vai trò là một vùng kháng cự quan trọng.
- Đỉnh và đáy của Senkou-Span A cũng tạo nên các vùng giá cực kỳ quan trọng. Các vùng giá này sẽ là những vùng hỗ trợ/kháng cự mạnh trong tương lai.
- Đường Senkou-Span B đi ngang đóng vai trò là mức hỗ trợ/kháng cự mạnh. Đường đi ngang này càng dài thì lực cản càng mạnh.
Hệ thống giao dịch hoàn chỉnh Ichimoku
Như đã giới thiệu ngay từ lúc mở đầu, Ichimoku là một chỉ báo đặc biệt, bản thân nó có thể tạo thành một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh mà không cần phải bổ sung thêm bất kỳ một chỉ báo, công cụ hay phương pháp nào khác.
Một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh sẽ cung cấp cho trader các tín hiệu vào lệnh, các mức stop loss và take profit tiềm năng.
Tín hiệu vào lệnh
Với các chiến lược giao dịch được trình bày ở những phần trên, mỗi một tín hiệu tạo ra từ các thành phần độc lập của Ichimoku sẽ cho chúng ta một cách vào lệnh riêng biệt. Ở phần này, chúng tôi sẽ tổng hợp tất cả các tín hiệu đó lại thành một hệ thống các tín hiệu vào lệnh hiệu quả nhất.
Tín hiệu vào lệnh Buy
- Giá nằm phía trên mây Kumo: nhận biết xu hướng hiện tại của thị trường là đang tăng.
- Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên.
- Chikou-Span nằm trên đường giá.
- Senkou-Span A cắt Senkou-Span B từ dưới lên (Kumo đổi màu từ hồng sang cam)
- Nếu giao dịch breakout thì giá đâm thủng Kumo từ dưới lên và đóng cửa phía trên Kumo.
Tín hiệu vào lệnh Sell
- Giá nằm phía dưới mây Kumo: thị trường đang trong xu hướng giảm.
- Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống.
- Chikou-Span nằm dưới đường giá.
- Senkou-Span A cắt Senkou-Span B từ trên xuống (Kumo đổi màu từ cam sang hồng).
- Nếu giao dịch breakout thì giá đâm thủng Kumo từ trên xuống và đóng cửa phía dưới Kumo.
Đặt stop loss
Tất cả các chiến lược mà chúng tôi trình bày ở trên đều là giao dịch thuận xu hướng, ngoại trừ giao dịch breakout mây Kumo. Chính vì thế, các bạn có thể sử dụng biên trên và biên dưới của mây Kumo (cộng thêm một số lượng pips, phụ thuộc vào khung thời gian giao dịch) làm mức stop loss cho lệnh.
Đối với giao dịch breakout mây Kumo, các bạn có thể chọn các đỉnh hoặc đáy giá gần nhất làm mức stop loss hoặc vẫn có thể sử dụng mây Kumo như ở trên.
Tín hiệu thoát lệnh
Mỗi chiến lược giao dịch với hệ thống Ichimoku đều có một cách thoát lệnh riêng.
- Nếu vào lệnh bằng tín hiệu giao cắt giữa Tenkan-Sen và Kijun-Sen hoặc Chikou-Span và đường giá hay sự giao cắt giữa 2 đường Senkou-Span A và Senkou-Span B thì có thể thoát lệnh cũng với các tín hiệu giao cắt đó nhưng theo chiều ngược lại.
Ví dụ: vào lệnh Buy khi Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ dưới lên, giữ lệnh cho đến khi Tenkan-Sen cắt Kijun-Sen từ trên xuống thì đóng lệnh.
- Nếu vào lệnh bằng tín hiệu giá phá vỡ mây Kumo thì các bạn có thể sử dụng bất kỳ một trong 3 tín hiệu giao cắt ở trên.
- Có thể sử dụng các mức hỗ trợ, kháng cự được tạo ra từ các thành phần của Ichimoku để làm tín hiệu thoát lệnh.
- Sự xuất hiện của các mô hình nến đảo chiều: Bullish/Bearish Engulfing, Morning/Evening Star hay Tweezer Top/Bottom… cũng có thể sử dụng làm tín hiệu thoát lệnh.
Lời kết
Có thể nói, Ichimoku hiện tại đang là một chỉ báo kỹ thuật hoàn chỉnh nhất hiện nay, trader có thể sử dụng chỉ báo này như một hệ thống giao dịch độc lập mà không cần đến sự hỗ trợ của bất kỳ một công cụ nào khác. Tuy nhiên, Ichimoku không phải là “chén thánh”, không phải lúc nào giao dịch với những tín hiệu được tạo ra từ Ichimoku cũng mang về lợi nhuận cho trader.
Tất cả những gì mà chúng tôi đã trình bày ở trên chỉ là một phần kiến thức rất nhỏ của Biểu đồ cân bằng trong nháy mắt mà Goichi Hosoda đã mất đến 4 năm để xây dựng nên. Chính vì thế, để biến Ichimoku thành một hệ thống giao dịch tối ưu nhất cho riêng mình thì đòi hỏi các bạn phải tự tìm hiểu và nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa về mọi khía cạnh của chỉ báo này. Bên cạnh đó, luyện tập giao dịch với các tín hiệu từ Ichimoku thường xuyên, chọn ra chiến lược phù hợp với bạn nhất và khả năng mang về nhiều lợi nhuận tiềm năng nhất trong dài hạn. Điều này sẽ giúp bạn tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho bản thân, tự tạo ra “chén thánh” của riêng mình.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.
Nguồn: Sử dụng máy tính
Comments
Post a Comment