Skip to main content

Chân dung Vitalik Buterin – Nhà lãnh đạo thế giới Cryptocurrency

Chân dung Vitalik Buterin, nhà lãnh đạo thế giới Cryptocurrency – người đàn ông 23 tuổi quốc tịch Singapore, gốc Nga và sống ở Mỹ – cha đẻ của Ethereum, đồng tiền thuật toán có giá trị vốn hóa thị trường gần 30 tỉ USD..

Chân dung Vitalik Buterin - Nhà lãnh đạo thế giới CryptocurrencyChân dung Vitalik Buterin – Nhà lãnh đạo thế giới Cryptocurrency

Chân dung Vitalik Buterin: Hành trình đến với Crypto

Một nhóm nhỏ tụ tập tại Paupers Pub khu Annex, Toronto vào một buổi chiều cuối tuần của tháng 11/2012. Một trong số đó là Anthony Di lorio, hiện được biết đến như một người làm khởi nghiệp nổi tiếng. Sớm quan tâm đến tình hình tương lai của hệ thống tài chính, Di lorio đã bán tất cả tài sản đang cho thuê của mình ở Toronto, đem đầu tư vào Bitcoin và đi tìm những người có cùng chí hướng với mình.

Di lorio đã tạo ra một sự kiện trên trang Meetup.com: “Đây là buổi gặp gỡ Bitcoin Meetup đầu tiên tại Toronto. Hãy cùng nhau xem điều gì sẽ xảy ra.” Những người mà anh chưa gặp bao giờ đã đăng ký cho buổi meetup. Trong số khách mời tham dự có một người dáng vẻ nhợt nhạt, người này từ chối tất cả lời mời rượu lẫn giao tiếp với mọi người. Đó chính là Vitalik Buterin – sinh viên năm nhất ngành khoa học máy tính tại Đại học Waterloo ở tây nam Ontario. “Anh ấy rất ít nói, chỉ lắc lắc. Không có cuộc trò chuyện thực sự với anh ta,” Dilorio nói. “Nhưng sau buổi gặp gỡ, chúng tôi hiểu về nhau nhiều hơn.”

Hoá ra Buterin cũng không phải dạng vừa trong ngành công nghệ. Cùng với một người bạn ở Romania, Buterin đã thành lập tạp chí Bitcoin Magazine và xây dựng tên tuổi của mình trong làng Cryptocurrency. Trước khi tới Toronto, Buterin đã bỏ học để đi khắp thế giới và viết tạp chí. Khi Buterin gặp Di lorio, cả hai đã nói về một ý tưởng, Bitcoin cho phép việc chuyển tiền đi toàn thế giới mà không cần trả phí, không thông qua một tổ chức trung gian hay chính phủ nào. Dựa vào cơ sở đó, Buterin đã khái quát ra nền tảng Web 3.0 – một phiên bản phân cấp của Internet, với khả năng là vô hạn.

Một người nông dân tại Iowa có thể ngay lập tức nhận được số tiền bảo hiểm nếu lượng mưa không đạt đến mức nhất định trong mùa vụ. Một chiếc xe hơi có thể kết nối với điện thoại thông minh và có thể đề máy thông qua một ứng dụng trả phí. Mọi người có thể kiếm tiền bằng việc cho các công ty dịch vụ điện toán đám mây phân cấp như Dropbox thuê ổ cứng.

Dĩ nhiên là những hợp đồng này không thể thực hiện được bằng Bitcoin hay bất kỳ loại tiền tệ nào khác. Bitcoin được tạo ra bằng thứ công nghệ hoàn toàn mới gọi là Blockchain – một cuốn sổ cái bảo mật được lưu trữ bởi hệ thống máy tính trên toàn cầu. Nhưng loại ngôn ngữ của Bitcoin chỉ có thể sử dụng cho một số loại giao dịch nhất định. Từ đó Buterin đã đề xuất xây dựng một Blockchain mới với tên gọi là Ethereum, bằng một mô hình phát triển lập trình quen thuộc, dễ hiểu và tạo điều kiện cho các loại ngôn ngữ mã hoá giải quyết bất kỳ vấn đề nào. Ethereum mang đến tiềm năng để loại bỏ sự cần thiết khi phải tin tưởng vào một công ty, một cá nhân hay một chính phủ để nắm giữ một lượng tiền lớn hay dữ liệu một cách an toàn, bảo mật.

Di lorio nói điều đó với Joseph Lubin – một doanh nhân người Canada cũng quan tâm đến Bitcoin. Ông sống tại Jamaica và mong muốn được gặp mặt, cũng như được tìm hiểu về ý tưởng của Buterin. Giống như Di lorio, ông đang tìm kiếm một thứ gì đó để đầu tư. Sau khi đọc White Paper của Buterin về Ethereum năm 2013, ông nhận ra rằng mình đã thấy được thứ mình muốn. Lubin nói: “Về cơ bản nó đã giúp tôi hiểu được bằng cách nào để chúng ta có thể đúc kết được những tiềm năng mà tôi và mọi người thấy ở Bitcoin. “Nó thực sự cung cấp một cơ chế ‘phân quyền trên tất cả mọi thứ’.”

Sau hơn 3 năm, Ethereum đã đạt đến trị giá 7 tỷ USD. Thuật ngữ “Blockchain” giờ đây không chỉ là một từ khoá thông dụng, các công ty lớn nhất thế giới và các định chế tài chính sẽ thử nghiệm công nghệ của Buterin. Và chàng trai lắc lư, lúng túng ngày nào sẽ trở thành một nhà lãnh đạo đáng được thế giới ngưỡng mộ. Nhưng trước tiên Buterin cần thời gian để làm một số việc, cũng như học thêm nhiều điều nữa

Chân dung Vitalik Buterin – Con đường gập ghềnh của những vĩ nhân

Vitalik Buterin sinh ngày 31/01/1994 tại Kolomna, một thành phố cổ cách Moscow, Nga khoảng 100km về phía đông nam, gia đình anh đã chuyển đến Toronto, Canada từ năm 1999. Từ lúc 4 tuổi, Buterin đã cảm thấy hứng thú với chương trình Excel trên chiếc máy tính cũ kỹ. Cha của anh – Dmitry Buterin còn nhớ con trai mình đã tự tay viết một cuốn sách phức tạp với tên gọi là Encyclopedia of Bunnies khi lên 7 tuổi. “Về cơ bản tài liệu đó mô tả vũ trụ này là một quần thể của thỏ, nhưng được quản lý bởi những công thức rất nghiêm ngặt, bao gồm đầy đủ các biểu đồ và phép tính”. Dmitry vốn là một kỹ sư IT và là nhà sáng lập ra công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain với tên gọi Blockgeeks Lab.

Buterin được xếp vào một lớp học dành cho những trẻ em có năng khiếu và nghiễm nhiên bị cuốn hút vào toán học, lập trình và kinh tế học. Vì có năng khiếu, Buterin sớm vượt trội hơn bạn bè của mình trong những môn học đó.

Nhiều năm sau khi Buterin tâm sự với cha về việc muốn bỏ học ở trường đại học Waterloo để đi du lịch khắp thế giới và tìm hiểu về Bitcoin. Dmitry khi đó nói với con trai mình rằng: “Nếu con tiếp tục học, con sẽ có một công việc tốt, chắc chắn là tại Apple, Google hay bất cứ công ty nào. Thu nhập của con sẽ là 100.000 USD, thậm chí là nhiều hơn”. “Nếu bây giờ con bỏ học, sẽ có nhiều sự thay đổi, con sẽ gặp nhiều thử thách hơn trong cuộc sống. Nhưng con sẽ học hỏi được nhiều thứ hơn ở trường đại học”. Và cuối cùng Buterin đã làm điều đó, bỏ học năm 2013 và đến Israel, Amsterdam và San Francisco, viết tạp chí và thực hiện các dự án liên quan đến Cryptocurrency.

Trong một nỗ lực trên con đường tìm hiểu về Cryptocurrency, Buterin đi khắp nơi với hy vọng tìm được một công việc và học hỏi thêm nhiều thứ. Một lần, anh gặp một người trên diễn đàn thảo luận về Bitcoin, người này đang có ý tưởng tạo ra một blog về Bitcoin và trả 5 BTC (khoảng 3.5 USD lúc đó) cho bài viết. Buterin đã nhận công việc đó cho đến khi trang web đóng cửa vì Bitcoin không được quan tâm nhiều.

Sau đó một người khác tiếp cận Buterin để tạo ra một tạp chí với tên gọi Bitcoin Magazine. Buterin trở thành nhà đồng sáng lập từ đó và trở thành cây bút chủ đạo. Bitcoin Magazine sau này được BTC Media mua lại và Buterin tiếp tục làm việc cho đến giữa năm 2014

Tháng 11 năm 2013, Buterin công bố White Paper của Ethereum và xây dựng nhóm phát triển. Thành viên ban đầu bao gồm Anthony Di lorio – hiện tại là nhà sáng lập phần mềm ví Jaxx, Mihai Alisie – nhà đồng sáng lập Bitcoin Magazine, Amir Chetrit – người cùng hợp tác với Buterin trong một dự án Bitcoin với tên gọi là ColoredCoins, và Charles Hoskinson – một giáo sư toán học người Mỹ với dự án Bitcoin Education nổi tiếng.

Tháng 1/2014, nhóm phát triển Ethereum thuê một ngôi nhà tại Miami và tổ chức một buổi hội nghị với tên gọi North American Bitcoin Conference. Tại đây họ đã cùng nhau xây dựng dự án Ethereum và thông báo cho cộng đồng thế giới.

Trong một buổi tối tại hội nghị North American Bitcoin Conference, Buterin đã mặc một chiếc áo thun màu đen có in hình logo của Ethereum. Bằng tầm nhìn của mình, Buterin đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt và rất nhiều người mong muốn được nói chuyện khi anh rời khỏi hội trường. Danh hiệu nhà lãnh đạo thế giới Cryptocurrency ra đời từ thời điểm ấy.

Tin đồn lan rộng, mỗi ngày hàng chục người ngó vào ngôi nhà tại Miami. Và rồi Ethereum chính thức thêm 3 nhà sáng lập mới: Garvin Wood, Joseph Lubin và Jeff Wilcke.

Garvin Wood – một lập trình viên đến từ Anh, đã dành hầu hết kỳ nghỉ Giáng sinh của mình để hiện thực hoá White Paper của Buterin thành code. Lubin – người từng làm quản lý quỹ phòng hộ tại Goldman Sachs, nói về những lo lắng: “Chúng tôi đã nghĩ về việc mua một hòn đảo, bởi vì chúng tôi cần một nơi để tạo lập một xã hội mới. Chúng tôi rất băn khoăn, nhưng đợi tí đã !!!”

Một lý do để chờ đợi chính là việc phải đảm bảo Ethereum đang tuân thủ đúng các quy định theo luật chứng khoán. Lấy tiền từ các nhà đầu tư Mỹ chưa được chứng thực có thể bị phạt bởi Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC). “Chúng tôi không nghĩ rằng có thể hạ cánh tại JFK (sân bay) vào một ngày nào đó và FBI sẽ bắt giữ chúng tôi ngay trên đường băng,” Lubin nói.

Kết quả là thay vì bắt đầu chiến dịch bán hàng ra công chúng ngay sau hội nghị, Ethereum đã thuê luật sư xem xét kỹ lưỡng và đăng ký một công ty tại Thuỵ Sĩ – nơi tỏ thái độ thân thiện với một dự án tiềm năng có thể làm suy yếu hệ thống pháp luật và tài chính. Họ đã tranh luận rất nhiều về việc liệu Ethereum có mô phỏng giống như Google hay Mozilla hay không.

Căng thẳng giữa những người sáng lập Ethereum gia tăng khi thời gian càng kéo dài. Các lập trình viên và doanh nhân chia thành nhiều phe phái khác nhau. Di lorio và Lubin phải tự bỏ ngân sách ra để duy trì dự án trong khi chờ đợi nguồn tài trợ. Di lorio cho rằng việc biến Ethereum thành một tổ chức phi lợi nhuận là điều ngớ ngẩn. Di lorio đã cho dự án mượn hàng trăm nghìn đô la vì nghĩ nhóm sẽ xây dựng được một người lãnh đạo Internet giống như Google. Những tư tưởng ban đầu đã hoàn toàn sai lầm, Di lorio rời khỏi dự án. “Tôi chưa bao giờ là fan hâm mộ của các tổ chức phi lợi nhuận,” Di lorio nói. “Hãy nhìn vào những gì mà Chrome làm và những gì Firefox có được, đó là khác biệt giữa một công ty vì lợi nhuận và một công ty phi lợi nhuận.

Chân dung Vitalik Buterin – Nhà lãnh đạo thế giới Cryptocurrency

Để làm rõ những quan điểm cá nhân, các thành viên trong nhóm Ethereum đã gặp nhau tại một ngôi nhà ở Zug, Thuỵ Sĩ – nơi mà Alisie đã thuê để làm trụ sở. Buterin cho rằng Ethereum nên là một tổ chức phi lợi nhuận. Điều này ngay lập tức làm tan vỡ giấc mộng của những nhà đồng sáng lập có tư tưởng kinh doanh. Hoskinson – người được bổ nhiệm làm CEO của Ethereum, kịch liệt phản đối về vấn đề phi lợi nhuận. Sự tranh cãi diễn ra ngay trong ngôi nhà mà có thể gọi là “một sự kiện mang tính sống còn”. Chetrit quyết định từ bỏ, nỗi sợ hãi là có cơ sở khi tất cả các thành viên nhóm Ethereum có thể ngồi tù vì vi phạm luật chứng khoán. “Tất cả đã từ bỏ, để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và đó là một bước ngoặc lớn,” Hoskinson nói. “Nó có thể trị giá 10 tỷ USD và thành công hơn nếu chúng tôi làm một điều gì đó khác biệt”.

Với tư cách là người phát minh ra Ethereum, Buterin luôn đứng giữa hai sự lựa chọn. Những ngày khi mới xây dựng dự án, Buterin vẫn nhớ về cảm giác khi cần phải dựa vào một ai đó có kinh nghiệm. Nhưng rồi Buterin nhận ra số phận của dự án đã đặt lên vai mình: “Tôi nhận ra rằng mình là người định đoạt. Tôi cảm nhận được điều đó. Ôi Chúa ơi ! Việc này thực sự là trách nhiệm của tôi.”

Cho đến thời điểm tháng 7/2014, dự án Ethereum đã trải qua 6 tháng không có kinh phí hoạt động kể từ khi thành lập. Một khoản nợ khổng lồ dành để thuê luật sư, chi phí đi lại và đăng ký kinh doanh. Rất nhiều người đang háo hức với dự án, nhưng thật không dễ để có thể nhận được tiền của họ. Cuối cùng, nhóm luật sư của Ethereum cũng tìm ra cách để né tránh các vấn đề liên quan đến luật chứng khoán. Thay vì chào bán cổ phần hay trái phiếu, Ethereum đưa ra ý tưởng về một sản phẩm. Đó chính là Ether – một loại Cryptocurrency giống như Bitcoin được tích hợp trong nền tảng này. Để phòng ngừa quá tải hệ thống và khuyến khích các nhà phát triển, tất cả các giao dịch và ứng dụng xây dựng trên nền tảng Ethereum đều phải cần tới Ether.

Trong hai tuần đầu khi chào bán ra công chúng, 1 Bitcoin sẽ đổi được 2000 Ether. Khi giá Bitcoin tăng lên 600 USD, 1 Ether có trị giá 0.3 USD. Buterin nhớ lại khoảnh khắc đó, khi Ethereum thực sự trở thành một dự án rõ ràng hơn là một sự thổi phồng về công nghệ. “Sự quan tâm là có thật,” Buterin nói. “Điều đó mang lại cho tôi niềm tự hào lẫn trách nhiệm.”

Buổi bán hàng diễn ra trong 42 ngày, cuối cùng Ethereum đã thu được 31,000 Bitcoin tương đương 18,4 triệu USD.

Ether được thiết kế như một loại token với đầy đủ chức năng cho những người sử dụng, đó không phải là một đơn vị tiền tệ như Bitcoin hay một loại tài sản như vàng. Bất kỳ ai đã mua Ether trong giai đoạn bán hàng thời điểm sơ khai giờ đây đã nhận được mức lợi nhuận không tưởng cho niềm tin của mình. Đầu tháng 5/2017, Ether đã tăng lên 77 USD – mức tăng trưởng 25,567% so với giá trị ban đầu. Một vấn đề khá thường lệ xảy ra trong thế giới Cryptocurrency đó là giá của Ether thường xuyên dao động kể từ khi ra đời vào năm 2015. Tháng 6/2016, một hacker đã thực hiện việc đánh cắp 50 triệu USD giá trị Ether từ các nhà đầu tư của một dự án liên doanh vốn gọi là The DAO. Cuộc tranh luận căng thẳng diễn ra trong vòng 1 tháng, cộng đồng Ethereum đã bỏ phiếu cho cách khắc phục sự cố bằng việc khôi phục quyền kiểm soát Ether về cho chủ nhân thực sự. Ether ngay lập tức mất 50% giá trị chỉ trong 48 giờ. Hiện tại thì Ether đã khôi phục được sức mạnh khi tin tức về nhóm liên minh các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến Ethereum – một trong số những yếu tố – đã đẩy giá Ether tăng vọt từ 17,25 USD ngày 09/03 lên 77 USD ngày 03/05.

Mọi người vẫn nghĩ rằng Ethereum chỉ là một sự thổi phồng về công nghệ, về tiềm năng lẫn giá trị thị trường, nhưng ít nhất nó cũng đã làm thay đổi góc nhìn của thế giới. Một người bình thường rất khó để có thể nhìn thấy tiềm năng của công nghệ Ethereum. Việc các công ty hay ngân hàng lớn áp dụng Ethereum chỉ mới giới hạn ở thử nghiệm và hình thành nền móng sơ khai. Ethereum cần thêm nhiều đột phá công nghệ để có thể xử lý một lượng lớn dữ liệu mà vốn đang được cai quản bởi các ông trùm Internet. Buterin tỏ ra không mấy lo lắng về điều này, chỉ cần mọi người tiếp tục giữ được niềm tin đó. Trong vòng 5 năm tới, Ethereum sẽ hình thành lên những ứng dụng quan trọng và thực sự hữu ích, đưa con người đến một giấc mơ về xã hội mà theo Lubin gọi là “phân quyền trên tất cả mọi thứ”.

Gặp Vitalik Buterin vào một ngày cuối tuần tháng 4/2017 tại Toronto, khi đó anh đang có mặt tại MaRS Discovery District để tham gia vào sự kiện hackathon của cha mình. Đôi mắt suy tư, tay không ngừng vọc tấm tag của túi trà, Buterin nhớ lại những gì đã xảy ra và mong muốn quay ngược thời gian để làm lại tất cả: “Tôi chắc chắn rằng mình có thể thay đổi những người mà mình đã đi tìm, những người chấp nhận tham gia cuộc chơi này”, Buterin nói. “Lúc đầu, tôi rất hạnh phúc khi ở bên những người ấy, bởi tôi nghĩ đó là những người thực sự trưởng thành và họ biết cách làm thế nào để thực hiện một dự án.” Những ngày đầu thành lập, Buterin cho rằng việc sở hữu một đội ngũ sáng lập vững mạnh là cách tốt nhất để tạo lập ra giá trị cho dự án. Nhưng cuối cùng anh nhận ra không phải lúc nào điều đó cũng đúng vì thời gian mỗi lúc một trôi và chẳng còn ai bên cạnh cho dù anh đang xây dựng một tổ chức mạnh cách mấy.

Cuối cùng chỉ còn Jeff Wilcke là một trong những nhà sáng lập thuở ban đầu ở lại với Buterin. Những người còn lại đã ra đi để xây dựng một tương lai mới, người thì có công ty riêng, người thì trở thành chuyên gia tư vấn, giúp xây dựng những ứng dụng Ethereum cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Buterin nói không có lý do gì để khiến Ethereum được điều hành bởi một công ty tối đa hoá lợi nhuận, bởi vì mục đích chính của nền tảng này là loại bỏ quyền lực tập trung. Khi được hỏi tại sao điều đó lại quan trọng như vậy, Buterin trả lời rằng: “Tôi nghĩ Ethereum phải là một thứ của tất cả mọi người để cùng nhau xây dựng thế giới.”

Đêm trước buổi hackathon, Buterin đã nói về Ethereum tại MaRS. Giống như ngày đầu tiên có mặt tại Miami 3 năm trước, vẫn chiếc áo thun màu đen in logo Ethereum, vẫn giọng nói ấy và thu hút được một lượng lớn đám đông bên dưới. Nhưng lần này, vị thế của Buterin đang là một nhà lãnh đạo, anh ấy chỉ mới 23 tuổi nhưng rất được tôn kính.

Comments